Thiếu máu não thoáng qua: Tai biến ''mini'', cảnh báo đột quỵ
2016-12-09 20:00
Nhiều người, kể cả nhân viên y tế nghĩ rằng các cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua là lành tính, chỉ đột quỵ não mới nghiêm trọng hơn.
Đây là một nhận thức rất sai lầm: Thiếu máu não thoáng qua và đột quỵ não đều có nguyên nhân là thiếu máu não, chỉ khác nhau là mức độ nặng nhẹ mà thôi.
Thiếu máu não thoáng qua là gì?
Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua (transient ischemic attack, TIA) là những rối loạn chức năng thần kinh do thiếu máu não cục bộ, các triệu chứng thường ngắn và không có bằng chứng của nhồi máu não. Thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA) thường được coi như là một đột quỵ nhẹ (ministroke) hay là một cảnh báo đột quỵ (warning stroke).
Cơn thiếu máu não thoáng qua thường có những dấu hiệu thần kinh chừng 5-10 phút rồi tự hết không có tổn thương. Các dấu hiệu và triệu chứng này hoàn toàn giống hệt với đột quỵ nhưng với mức độ nhẹ nhàng hơn như:
- Yếu người, liệt ở mặt, tay hay chân, thường ở một bên cơ thể
- Líu lưỡi, nói ngọng hoặc nói khó hiểu
- Mù một, hai mắt hoặc nhìn đôi
- Chóng mặt hoặc mất thăng bằng hoặc điều phối vận động
- Rối loạn cảm giác
Cần làm gì khi có dấu hiệu cơn thiếu máu não thoáng qua?
Cơn thiếu máu não thoáng qua thường ngắn ngủi, và chẩn đoán TIA thường dựa vào bệnh sử hơn là thăm khám lâm sàng về thần kinh nói chung. Tuy nhiên trước một bệnh nhân TIA, thường y tế cần tiến hành các thăm dò để đánh giá nguyên nhân và nguy cơ đột quỵ sau:
- Xét nghiệm kiểm tra các yếu tố nguy cơ của đột quỵ như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, homocysteine ..
- Soi đáy mắt để đánh giá các mạch máu nhỏ của võng mạc mắt
- Siêu âm động mạch cảnh xem có bị hẹp hoặc đông máu long mạch
- Siêu âm tim
- Chụp CT scan và MRI não, mạch máu
- Chụp động mạch xóa nền DSA.
Những điều lưu ý
Theo những thống kê y học nghiêm cứu, khoảng 10-20% người bị TIA lần đầu sẽ bị tai biến nhồi máu não trong vòng 90 ngày tiếp theo, và khoảng 30-50% người có một cơn TIA này sẽ có nguy cơ bị cơn đột quỵ xảy ra trong vòng một năm sau đó.
Thống kê cũng cho thấy, khoảng 15% người bị nhồi máu não có tiền sử bị cơn thiếu máu não thoáng qua. Do đó, các nhà lâm sàng cho rằng, thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA) là một đột quỵ nhẹ nhưng có vai trò là một “cảnh báo” quan trọng cho cơn đột quỵ có thể sắp xảy ra trong tương lai và cũng nhắc nhở cơ hội để thực hiện các phương sách để ngăn ngừa đột quỵ.
Đã một lần bị đột quỵ cần lưu ý ba điều sau:
1.Tầm soát điều trị bệnh kèm
Những căn bệnh gây nguy cơ đột quỵ gồm: tăng huyết áp cao; đái tháo đường; rối loạn mỡ máu cao; xơ vữa động mạch; tăng homocysteine.
2. Điều trị hỗ trợ
Mục tiêu là để sửa chữa bất thường và ngăn ngừa đột quỵ. Tùy theo nguyên nhân, có thể chỉ dùng thuốc hoặc can thiệp chuyên khoa.
Hai loại thuốc thường được chỉ định là thuốc chống ngưng kết tiểu cầu và thuốc chống đông máu.
Nếu xơ vữa gây hẹp động mạch cảnh phẫu thuật nội mạch (carotid endarterectomy) để lấy mảng xơ vữa động mạch.Trong trường hợp lựa chọn, có thể sử dụng cách đặt ống nong (stent) hay đặt bóng (balloon procedure) động mạch cảnh.
3. Thay đổi lối sống
Thiếu máu não thoáng qua cũng là “gợi ý” khả năng bị đột quỵ. Đã bị TIA cần điều chỉnh lối sống lành mạnh để ngăn chặn bị tái diến hoặc đột quỵ xảy ra. Các biện pháp bao gồm: Không hút thuốc lá; hạn chế ăn chất béo; ăn nhiều rau quả, chất xơ; hạn chế muối ăn; hạn chế bia rượu; tăng cường dưỡng sinh, thể dục; ổn định thể trọng khỏe mạnh.
TS.BS Trần Bá Thoại
Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng
www.hoanmy.com/danang/thieu-mau-nao-thoang-qua-tai-bien-mini-canh-bao-dot-quy