Thằng Hạo
Thằng Hạo
Bà năm Béo mẹ của thằng Hạo đang ngồi giặt một thao đồ to tướng bên giòng sông vàng khè ở thị xã Mỹ An, tỉnh Đồng Tháp. Đang giặt đồ mà miệng bà cứ lẩm bẩm gì đó, không ai có thể hiểu bà nói gì? Nhưng thằng Hạo biết rất rõ là mẹ nó đang...chửi ai đó! Vì mỗi lần đi chợ về mà có chuyện gì làm bà bực mình là bà như vậy. Nếu vậy thì còn đỡ, đằng này bà lại muốn có "đối tượng" để nghe! Nhìn quanh không thấy ai, bà đành lôi thằng Hạo ra rồi "chửi đổng" chuyện vớ vẩn gì đó cho nó nghe. Riết rồi thằng Hạo biết ý mẹ nó nên mỗi lần nó thấy bà nhìn quanh là nó vội vàng trốn ra đằng sau nhà. Cảm thấy chưa chắc ăn, nó chạy tuốt ra thửa ruộng của mẹ nó để trốn, vì nó quá sợ phải nghe những từ mà mẹ nó...phun ra.
Thằng Hạo biết những chuyện có liên quan tới mẹ nó, nhưng không bao giờ nó dám nói cho bà nghe. Vì hôm đó khi đang lang thang ở sạp bán cháo lòng ngoài chợ Mỹ An, tình cờ nó nghe những người khách đang nói xấu mẹ nó. Người ta nói nhanh quá và phần vì tiếng ồn của mấy chiếc đò nên nó không nghe hết những gì họ nói. Nó chỉ nhớ có một câu:
- Nếu hỏi ở xứ này, ai hung dữ nhất thì chỉ có bà năm Béo, mình phải gọi là năm Beo mới đúng!
Thằng Hạo không hiểu "Beo" là gì? Nên nó phải đi hỏi con Mười hàng xóm và được nó giải thích:
- Ờ, thì Beo cũng giống con cọp vậy đó.
Thằng Hạo mới hiểu ra và nó cũng đành phải đồng ý!
Trước đây nó chỉ biết vì mẹ nó mập và phần hàng xóm không biết bà tên gì nên họ gọi bà là năm Béo, còn bây giờ là năm Beo. Đối với thằng Hạo cũng chẳng có gì khác nhau! Nhưng nếu nói cho mẹ nghe thì kể như nó tan xác, mặc dầu không phải lỗi của nó. Phần nó cũng sợ bà sẽ "dập nát" sạp cháo lòng của bà hai Ngò, thành ra từ đó đến nay nó im luôn.
Trưa hôm nay bà năm...Beo lại có chuyện bực mình, vì con nhỏ ở đầu chợ mỗi lần gặp bà nó cứ mở miệng giảng đạo làm bà bực lắm. Bà cứ thắc mắc không biết nó bị ai xúi giục mà cứ nhè ngay bà mà đem Chúa Trời của nó ra giảng?
Không may cho thằng Hạo là nó đang ở trong bếp. Bà gào lên:
- Tao cấm mày bén mảng đến đầu chợ để gặp con Hường, vì nó sẽ lôi mày vào nhà nó để giảng đạo đó.
Thằng Hạo tái mặt và bỏ chạy vì biết mẹ nó sắp... lên cơn.
Ba năm sau, thằng Hạo đã mười lăm tuổi và vẫn như trước đây, nó chẳng đi học mà cứ lang thang ngoài chợ cả ngày. Còn nhớ năm nó học lớp bốn thì ba nó mất, cảm thấy buồn nó không muốn đi học nữa. Nó ngạc nhiên khi mẹ nó chẳng nói tiếng nào khi nó bỏ học? Còn mẹ nó thì nghĩ khác! Sống trong chế độ này thì học cũng như không, có học cho giỏi thì cũng đi Bộ đội! Nói tóm lại: Bà năm Beo không muốn con bà đi học, còn thằng Hạo thì cũng chẳng muốn học. Thế là cả hai đều...huề!
Một hôm, thằng Hạo nghe theo lời bạn nó đón xe đò đi về Rạch Giá để phụ bán hủ tiếu cho ông sáu Khi, là bác của thằng Lộc, bạn nó. Không dám cho mẹ biết, vì chắc chắn bà sẽ không cho đi. Cảm thấy tuổi đã lớn, nó cần việc làm kiếm tiền để giúp mẹ nó, vì thằng Hạo coi vậy chứ rất thương mẹ. Nó không thích làm ruộng vì quá cực nên cứ mỗi lần đến mùa lúa là nó cứ trốn đi chơi. Bà năm Beo la riết rồi cũng thôi, vì bà rất thương con.
Hai đứa đến Rạch Giá vào giữa trưa, hai đứa đều đói bụng. Thằng Lộc mua hai ổ bánh mì không ăn cho qua bữa, thằng Hạo cũng ngượng vì không có tiền, bạn nó đã trả tiền xe đò và bây giờ mua bánh mì nữa. Từ bến xe đò, chúng nó đi bộ đến nhà của bác thằng Lộc, cũng nằm sát ranh giới của phường Rạch Sỏi. Chờ đến chiều mà ông sáu Khi vẫn chưa về nên thằng Hạo nói với bạn rằng:
- Mày ở đây chờ bác mày đi, tao đi bộ xuống chợ Rạch Sỏi chơi.
Trên đường ra chợ, nó phải đi ngang cây cầu khỉ nhưng giữa chừng bị xẩy chân té xuống con rạch, hơi sợ nhưng nó lo vì quần áo đã ướt hết, bây giờ không biết làm sao? Bỗng nó nghe có tiếng nói nho nhỏ vang vọng gần đây! Tò mò, nó đi men theo bụi tre để coi là ai. Nó giật mình khi thấy có chiếc tàu đánh cá loại nhỏ đang đậu sát vào bụi tre, gần chổ nó đứng. Nhưng nó thắc mắc là tại sao đi đánh cá mà trên tàu thấy đông người vậy? Và có cả tiếng khóc của con nít nữa. Nó định bỏ đi thì có hai người đàn ông chận nó lại!
- Mày là ai mà ở đây, có phải mày định đi báo Công an phải không?
Thằng Hạo chưa hiểu được chuyện gì xảy ra thì đã bị họ bắt đem lên tàu.
Tin thằng Hạo, con bà năm Beo không thấy trở về nhà, lan ra khắp chợ Mỹ An. Đã ba ngày nay không nghe tin tức gì của con, bà lo đến nỗi không ăn uống hay làm việc gì được. Bà không tin nó bị bắt cóc, vì chuyện đó ở miền quê chưa bao giờ xảy ra. Ngày nào bà cũng lang thang ngoài chợ để tìm con, người ta thấy bà ngồi dưới lề đường khóc. Ai có con thì sẽ hiểu sự mất con đau đớn là dường nào. Hàng xóm đến thăm và an ủi bà, người thì đem cơm, người thì giặt đồ, bà hai Ngò đích thân mang cháo lòng đến để bà ăn trưa, vì ai cũng thương hoàn cảnh của bà.
Sáu tháng sau, mọi chuyện trở lại bình thường. Mọi người đều cho là thằng Hạo đã chết, không ai nhắc đến nó nữa, vì họ nghĩ rằng có nhắc tới thì chỉ làm cho bà năm Beo buồn thêm. Nhìn quanh, bà chỉ còn lại con Hường là luôn bên cạnh để an ủi bà. Nhớ ngày đầu khi nghe thằng Hạo mất tích, Hường đã đến thăm và cùng ngồi khóc với bà, cảnh đó làm bà cảm động lắm, chắc không bao giờ quên.
Hôm nay, Hường cũng đến thăm bà như mọi hôm. Bà nắm tay nó và nói:
- Tại sao cháu tốt với bác vậy? À, mà sao lúc này không nghe cháu...giảng đạo cho bác nữa?
- Thưa bác, Chúa dạy cháu phải yêu người lân cận mình, và hãy giúp đỡ những người đang gặp khó khăn. Con rất thương hoàn cảnh của bác và muốn đến an ủi cho bác quên đi nỗi buồn. Cháu cũng muốn nói về Chúa cho bác nghe, nhưng cảm thấy chưa đúng lúc. Có lẽ hôm nay là ngày thuận tiện, để cháu kể cho bác nghe về câu chuyện của Chúa Giê Xu:
Vì yêu thương thế gian nên Đức Chúa Trời đã hy sinh con Ngài là Chúa Cứu Thế Giê Xu giáng sinh để cứu rỗi nhân loại, trong đó có con và bác, hay nói đúng hơn là tất cả mọi người. Ngài đến để đem Tin Lành cho loài người, vì mọi người đều phạm tội và sau đó Ngài đã hy sinh chết trên thập tự giá để cứu chuộc tội lỗi cho nhân loại. Nếu bác tin thì Chúa sẽ nhận bác làm con của Ngài và Ngài sẽ biến đổi cuộc đời của bác từ đau khổ trở thành phước hạnh. Hoàn cảnh của bác hiện nay thì không ai có thể xoa dịu được. Chỉ có Chúa là Đấng nhân từ, yêu thương bác, Ngài sẽ lau ráo nước mắt và ban cho bác sự bình an nếu bác chịu đầu phục và giao phó mọi điều cho Ngài.
Bà năm Beo ngồi nghe con Hường nói mà bà chẳng hiểu gì cả, bà nghĩ rằng câu chuyện Chúa Trời của nó chẳng có liên quan gì đến hoàn cảnh của bà! Nhưng một mặt bà lại muốn Chúa của con Hường kiếm dùm thằng Hạo con bà thì lúc đó bà mới tin, nhưng bà không dám nói cho con Hường nghe.
Thằng Hạo ngồi co ro trên chiếc tàu đánh cá đã hai ngày nay và nó cũng chẳng hiểu là mình bị bắt đi đâu? Không ai nói cho nó nghe chuyện gì đã xảy ra! Nó cứ thắc mắc là tại sao phải đi đánh cá xa bờ như vậy? nếu có người giải thích là nó đang vượt biên thì nó cũng chẳng hiểu vượt biên nghĩa là gì? Vì từ nhỏ cho tới bây giờ nó chưa nghe ai nói vậy. Nhìn quanh thấy mọi người đều say sóng, nằm sắp lớp trong khoan tàu, nó chợt nhớ tới bà năm Beo, mẹ nó có lẽ lo lắng lắm vì không biết hiện giờ nó ở đâu và rồi nó ôm mặt khóc nức nở. Nó tiếp tục chịu đựng với cái lạnh ban đêm vì chỉ có bộ đồ duy nhất và rồi ngủ thiếp đi vì mệt mỏi.
Khi tới đất liền thì thằng Hạo mới hiểu ra là nó đã xa quê hương. Đang khi mọi người sắp hàng lên xe Bus để đến trại Tị nạn thì thằng Hạo vẫn còn đứng dưới gốc cây dừa khóc. Ông chủ tàu, cũng là người đã "bắt" nó chiều hôm đó, đến an ủi và ông hứa sẽ lo cho nó, ông sẽ khai với Cao Ủy là con của ông. Nhưng khi sang đến Texas, ông dẫn thằng Hạo đến Nhà thờ Tin Lành gần đó để "gửi" nó cho ông Mục sư nuôi dùm! Thông cảm vì hoàn cảnh của thằng Hạo nên vị Mục sư vui vẻ nhận lời. Thằng Hạo tái mặt vì nó biết rằng ở chung với ông Mục sư thế nào cũng "bị" nghe giảng đạo! Mẹ nó đã cấm không được nghe nhưng tình thế hiện nay nó không còn cách nào khác hơn là chấp nhận.
Thấm thoát mà thằng Hạo đã ở nhà ông Mục sư được ba tháng. Nó cứ thắc mắc là tại sao không nghe ông giảng đạo cho nó nhưng không dám hỏi. Cứ mỗi Chúa nhựt gia đình ông đều đi đến nhà thờ và thường mời nó đi theo, lòng không muốn nhưng vì sợ họ buồn nên nó phải đi. Không khí trong giờ thờ phượng không đến nỗi quá nghiêm trọng như nó nghĩ nên cũng cảm thấy thoải mái. Dầu chưa biết nhiều về Chúa nhưng mỗi lần ngồi trong nhà thờ nó đều âm thầm cầu xin Chúa cho nó được đoàn tụ với mẹ.
Một ngày nọ, ông Mục sư dẫn nó đến trường để ghi danh cho nó học tiếng Anh, nó lo lắm vì tiếng Việt nó viết chữ cũng không rành, bây giờ phải học tiếng Anh. Sau mười phút phỏng vấn, Cô giáo sắp nó học lớp vở lòng và hẹn hai tuần nữa trở lại để nhập học. Ra khỏi trường nó nhìn quanh thấy mọi thứ đều lạ mắt, lâu lắm rồi mới có dịp đi ra ngoài, nó nhận thấy người Việt ở Texas không nhiều, chung quanh nó chỉ toàn người Mỹ. Lòng nó quặn đau khi nhớ về quê hương, nơi đó có mẹ của nó, không biết bây giờ bà ra sao? Nhiều lần ông Mục sư hỏi địa chỉ của nó bên Việt nam để nhắn tin cho mẹ nó nhưng khổ nỗi là địa chỉ nhà nó cũng không biết! Nó nhớ mang máng là ở vùng quê thì làm gì có số nhà!
Thằng Hạo bây giờ được mười tám tuổi và sau khi "tốt nghiệp" khóa học tiếng Anh, nó được một người tín đồ trong Hội thánh giới thiệu vào làm cho hãng Gà. Công việc rất nặng nhọc nhưng nó chịu được vì dầu sao vẫn đỡ hơn làm ruộng bên Việt nam, mà được lãnh lương nữa! Mỗi lần lãnh lương, nó đem đưa hết cho ông Mục sư và nói rằng công của ông đã giúp đỡ nó trong thời gian qua. Ông cảm động lắm nhưng sau đó ông không chịu lấy nữa mà nói nó nên giữ đề phòng thân. Ở Texas, thằng Hạo không có nhiều bạn, ngoại trừ con Thanh là con của ông Mục sư. Theo thời gian ở chung nhà, hai đứa cũng thân với nhau nhưng thằng Hạo vẫn giữ khoảng cách vì nó sợ ông Mục sư.
Một hôm thằng Hạo run run nói với ông Mục sư rằng nó muốn tin nhận Chúa, ông ngạc nhiên hỏi vì sao? Nó đáp rằng: Hơn một năm qua con nhận thấy gia đình ông Mục sư đối xử tốt với con và ngay cả những người trong Hội thánh cũng vậy. Mỗi tuần con đều nghe ông giảng về Chúa Giê Xu và ông đã làm đúng những gì Chúa dạy, điều quan trọng nữa là con nhận thấy những người trong Hội thánh khác hẳn những người bên ngoài, nên con tin có Chúa là Đấng mà mọi người đang thờ phượng.
Năm năm sau Hạo và Thanh con của ông Mục sư lấy nhau và cũng trùng với thời điểm Chính phủ Hoa Kỳ lập bang giao với Việt Nam. Hạo không rành lắm về chính trị nhưng được vợ là Thanh giải thích là sẽ có cơ hội để trở lại Việt nam. Hạo mừng lắm và ứa nước mắt khi nhớ lại người mẹ năm xưa, không biết bà ra sao? Đã lâu lắm rồi không có liên lạc được, Hạo tự nhủ là sẽ tìm cách về thăm mẹ. Tối đêm đó hai vợ chồng ngồi bàn tính chuyện về Việt nam, Thanh nhất định đòi theo Hạo về để ra mắt mẹ chồng nhưng sau khi tính toán chi phí thì cả hai bỏ cuộc vì không đủ tiền. Ông Mục sư hay tin và khuyến khích cả hai nên về và ông sẽ phụ tiền vé máy bay.
Đúng thời điểm, Hạo và Thanh lên đường và lần đầu tiên trong đời, Hạo tạ ơn Chúa vì sự thương xót của Ngài đã mở đường cho Hạo trở lại quê hương, là điều mà bao lâu nay Hạo ao ước nay đã thành hiện thực. Hạo suy nghĩ nếu không vì chuyện vượt biên bất đắc dĩ, chắc suốt cuộc đời của Hạo chẳng bao giờ biết Chúa.
Khi đến phi trường Tân Sơn Nhất thì trời đã tối, hai vợ chồng Hạo phải nghĩ đêm tại Khách sạn và sáng sớm hôm sau đón xe về Cao Lãnh, rồi sẽ đi đò về Mỹ An. Hạo không rành đường xá ở Việt nam, chỉ biết đến chợ Mỹ An là có thể nhớ đường về nhà. Nhưng khi đến nơi thì Hạo rất bối rối vì mọi thứ đã thay đổi, muốn về nhà mà không biết làm sao? Chợt nhớ bà hai Ngò bán cháo lòng, Hạo hỏi thăm những người trong chợ và tìm được sạp bán cháo của bà để hỏi đường về nhà. Bà hai Ngò trố mắt nhìn Hạo rồi ú ớ:
- Có phải mày là thằng Hạo không? Mẹ mày và mọi người cứ tưởng mày chết rồi!
- A! dạ thưa dì con đi vượt biên và bây giờ ở Mỹ, mẹ con còn ở nhà cũ không?
Bà hai Ngò đang ngồi vội đứng bật dậy như nhớ ra chuyện gì đó, bà nói lớn:
- Vẫn còn ở chỗ cũ, để tao kêu con Mười chạy về báo tin cho mẹ mày biết.
Bà chỉ Thanh rồi hỏi:
- Vợ mày phải không? Chắc hai đứa đói bụng rồi, ngồi xuống đi để tao làm cháo lòng ăn.
Biết không thể nào ăn được nên cả hai từ chối, hai vợ chồng vội vàng kéo vali đi bộ về nhà sau khi bà hai Ngò chỉ đường. Từ đằng xa, Hạo run lên khi thấy mẹ mình đang đứng trước cửa nhà, có lẽ con Mười đã báo tin rồi. Khi nhìn thấy con mình, bà năm Beo khụy người xuống, có lẽ do xúc động. Hạo vội chạy đến đỡ bà đứng lên và hai mẹ con ôm nhau khóc.
Bà xoa đầu và rờ mặt Hạo vì muốn xác nhận đây là sự thật chứ không phải trong giấc mơ. Hạo chợt nhớ Thanh đang đứng gần mình nên giới thiệu:
- Thưa mẹ, đây là Thanh vợ của con, rồi Hạo kể cho bà nghe về chuyến vượt biên cũng như gia đình của Thanh đã giúp đỡ Hạo như thế nào khi mới đến Mỹ. Nghe xong bà quỳ xuống tạ ơn Trời, Hạo và Thanh cùng quỳ xuống với bà và cầu nguyện tạ ơn Chúa.
Bà không ngạc nhiên khi biết Hạo theo đạo Tin lành. Bà nhớ lại những câu chuyện, những lời chia xẻ về Chúa cũng như sự an ủi của con Hường trước đây nên bà muốn tin Chúa giống như Hạo. Với đức tin đơn sơ, bà tin Chúa đã tìm lại người con trai cho bà như ước nguyện trước đây và bà xét thấy mình có tội nên sau bữa cơm tối đoàn tụ gia đình, bà mời con Hường đến để cầu nguyện cho bà tin nhận Chúa.
Sau thời gian dài chờ đợi, cuối cùng bà năm Beo cũng đến Mỹ đoàn tụ với hai con.
Hiện nay bà là Trưởng ban Phụ Nữ của Hội Thánh Tin Lành Houston, Texas.
Nguyễn Hoàng Trung